Tổng kết thị trường địa ốc trong tuần qua, trong khi chỉ số bất động sản tại TP. HCM giảm mạnh thì tại thị trường Hà Nội đang xuất hiện đợt sóng mới.
Thị trường TP.HCM giảm sút mạnh
Theo số liệu của tạp chí Thị trường Giá cả, chỉ số bất động sản tại TPHCM trong tháng 10 có mức giảm sút mạnh nhất kể từ đầu năm. Chỉ số giá đất nền (ULPI-Land) giảm 2,18% so với tháng 9, xuống mức 23,49 điểm, còn chỉ số giá căn hộ (ULPI-Apartment) gần như không có biến động (tăng 0,21%), ở mức 27,87 điểm.
Diễn biến giảm chỉ số giá bất động sản trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tương đối rõ ràng và thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh là một điểm bất thường, không theo quy luật. Nguyên nhân sụt giảm là do thuế thu nhập cá nhân thu trên chuyển nhượng bất động sản ở dạng hợp đồng góp vốn. Việc không thống nhất triển khai thu thuế và thuế suất tại TPHCM đã khiến cho các giao dịch rất khó đạt được thỏa thuận và khó tính toán cho người có nhu cầu giao dịch. Tính thanh khoản sụt giảm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụt giảm đầu tư và rới giá mạnh của BĐS tại TPHCM. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án và các lĩnh vực kinh tế khác như: xây dựng, vật liệu, ngân hàng, tài chính…
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP HCM) cho biết, hiện chỉ phân khúc căn hộ bình dân giá từ 13-17 triệu đồng/m² là có giao dịch, tuy nhiên, vẫn hết sức chậm chạp. Còn các dự án cao cấp thì hầu như không có dự án nào được khởi công trong thời gian này. Ông Đực nhận định: “Thị trường nhà đất tại TP HCM có lẽ phải đến năm 2010 mới có thể hồi phục”.
Đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia khi được hỏi về khả năng hồi phục của thị trường TP HCM trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, TP HCM bị tác động nặng nề trong thời gian khủng hoảng nên khó “đứng dậy”. Ông Đực nói: “Các nhà đầu tư ở Hà Nội cẩn trọng hơn. Họ có 1 thì đầu tư 1, 1,5. Còn các nhà đầu tư ở TP HCM “liều lĩnh” hơn. Họ có 1 nhưng có thể đầu tư đến 2 – 3, nên khi khủng hoảng xảy ra, ngân hàng siết vốn, họ dễ tan vỡ và khó gượng dậy”.
Không giống những đợt trước, lần “sốt” giá này tại Hà Nội xuất phát từ phân khúc đất nền, đất thổ cư. Giá tăng mạnh nhất là những khu vực mới phát triển, được đánh giá có nhiều triển vọng trong tương lai. Khu vực Vĩnh Hưng, sau khi cầu Thanh Trì hợp long, giá đất ở đây lập tức tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Đất thổ cư tại khu vực Ngọc Thụy, Ngọc Lâm (Long Biên) cũng tăng khá nhanh, hiện giá đất thổ cư rao bán ở đây đã tăng gấp rưỡi so với thời điểm cuối năm 2008. Đặc biệt, tại khu vực Hà Nội mới, các quận, huyện giáp ranh Hà Nội cũ như Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông… những khu vực có các dự án nằm trong 240 dự án được tiếp tục triển khai theo quyết định mới đây của Chính phủ, thị trường nhà đất sôi động như chưa từng biết đến tình trạng ảm đạm mấy tháng trước đây.
Cảnh hàng ngàn người xếp hàng chầu chực chỉ để được nộp tiền “thành ý” góp vốn cho 300 căn hộ khu chung cư Lê Văn Lương (Tập đoàn Nam Cường) cũng cho thấy, nhu cầu nhà, đất ở khu vực này còn rất lớn. Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty Bất động sản B.Đ.S (Ba Đình – Hà Nội) cho biết: ở Hà Nội hiện nay, đang có một đợt “sốt đất ngầm”. Giá nhà đất tăng mạnh mẽ nhất ở loại đất nền, khu mới phát triển và đặc biệt là loại nhà đất có thể ở ngay. Nhiều khu vực, giá trung bình tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cuối năm 2008. “Không chỉ những người mua để ở, ngay cả giới đầu tư cũng đã quay trở lại khá mạnh mẽ. Tôi cảm thấy sức nóng của thị trường hiện nay, thậm chí không kém gì nhiều so với thời điểm sốt đất năm 2007”, ông Trường nói.
Cố vấn cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, ông Đặng Hùng Võ nói rằng: xu hướng thị trường bất động hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào gói kích thích kinh tế thứ hai. “Cuối tháng vừa rồi, Chính phủ đã quyết định thông qua gói kích thích kinh tế thứ hai, và tôi chắc chắn, điều này sẽ làm cho thị trường bất động sản thêm “nóng”, ông Võ nói.
Thực tế ở cả VN và thế giới cũng đều cho thấy một khi kinh tế hồi phục, thu nhập tăng, nhu cầu ở riêng ngày càng cần thiết… thì thị trường địa ốc vẫn là địa chỉ đầu tư lý tưởng.
Căn hộ giá rẻ vẫn đắt hàng
Có một điểm giống nhau giữa thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đó là căn hộ giá vừa phải vẫn có tính ổn định cao và hút khách. Mặc dù thị trường chung trầm lắng, nhưng tại Tp. HCM, những dự án căn hộ giá từ 15-20 triệu đồng/m2 vẫn bán khá chạy. Nhiều nhà đầu tư đề nghị, nên có những căn hộ, nhà nhỏ với diện tích khoảng 30m2 bán giá 12,5 triệu đồng/m2, tổng giá thành là 375 triệu đồng/căn hộ và ngân hàng cho vay 70 phần trăm thì thị trường sẽ sôi động vì phù hợp với phần đông cán bộ, công nhân viên, người làm công ăn lương.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn, đặc biệt với các loại nhà ở có diện tích vừa phải và mức giá tương đối. Ông cho biết, đang khuyến cáo để các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc thị trường này.
It‘s quite in here! Why not leave a response?