“Nếu là nhà ở kinh doanh, người dân có quyền mua bán theo nhu cầu của họ. Riêng nhà ở xã hội, không được mua đi bán lại”.
UBND TP Hà Nội đang giao thống kê lại đối tượng là những người hưởng lương đang công tác ở Thủ đô xem có bao nhiêu người đang thực sự có nhu cầu mua nhà ở mà chưa mua được, mức thu nhập thực tế của họ hằng tháng so khả năng mua nhà. “Nếu là nhà ở kinh doanh, người dân có quyền mua bán theo nhu cầu của họ. Riêng nhà ở xã hội, không được mua đi bán lại” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo thừa nhận, quỹ nhà ở hiện nay tại Thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu. Riêng về nhà ở xã hội là chủ trương lớn của thành phố nhằm giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp, thể hiện tính nhân văn. Tới đây, thành phố sẽ ưu tiên quỹ đất và các thủ tục, vốn đầu tư xây dựng…
Thực tế, các khu đô thị, khu chung cư được xây dựng khá nhiều nhưng phần lớn trong số đó vẫn tái diễn cảnh mua đi, bán lại, đầu cơ, găm hàng khiến người cần nhà ở thực sự rất khó khăn?
Nếu là nhà ở kinh doanh, người ta có quyền mua đi bán lại, có quyền chuyển nhượng cho người khác nếu có nhu cầu, không ai cấm. Còn nếu là nhà ở xã hội, không thể mua đi bán lại, quỹ nhà này chỉ dành cho những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Thành phố đang quy hoạch và triển khai xây dựng một loạt các khu nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, tới đây tiếp tục mở rộng xây dựng diện nhà ở này.
Cán bộ, công chức và những người hưởng lương khác vẫn quá khó khăn để sở hữu căn nhà nếu dựa vào thu nhập bằng lương của họ. Thành phố có chính sách gì cho diện chiếm tỷ lệ không nhỏ này?
Chủ trương của thành phố là: Đối với nhà cho bộ phận người hưởng lương sẽ quy hoạch các khu đô thị, trong đó phân ra nhiều loại căn hộ (cho người có thu nhập cao, người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp). Việc phân loại này dựa trên thu nhập chứ không phân biệt thuộc thành phần, thâm niên, công tác ở đâu, ngành, lĩnh vực nào…
Hiện, chúng tôi đang giao thống kê lại đối tượng là những người hưởng lương đang công tác ở Thủ đô xem có bao nhiêu người đang thực sự có nhu cầu mua nhà ở mà chưa mua được, mức thu nhập thực tế của họ hàng tháng so khả năng mua nhà. Dựa trên cơ sở đó sẽ cơ cấu tỷ lệ khi xây dựng các khu chung cư ở các mức giá cao, thấp, trung bình, đắt rẻ, rộng hẹp ra sao. Sau đó sẽ thông báo lại để các cơ quan có cán bộ hưởng lương nắm được để họ đăng ký mua nhà. Việc này thực hiện phải có lộ trình.
Nhưng xác định như thế nào là thu nhập thấp cũng không dễ vì có người lương thấp nhưng tài sản, thu nhập khác cao và ngược lại?
Do đó mới phải có báo cáo thực tế. Có người thu nhập thấp, về đồng lương song thực tế tài sản và các thu nhập khác của họ thì không thể coi là thấp được, chưa kể họ có tài sản nhưng giấu đi.
Nếu họ giấu thì…?
Nếu giấu thì có cách xử lý, mục đích để quỹ nhà ở đảm bảo đúng đối tượng.
Rất nhiều người đang kỳ vọng từ chủ trương nhà ở xã hội của thành phố.
Thưa ông, ngoài xây dựng các khu chung cư, nhà ở xã hội, Hà Nội cũng đang rốt ráo triển khai kế hoạch di dân phố cổ. Đây là chủ trương lớn, Hà Nội sẽ thực hiện như thế nào?
Chủ trương di dân phố cổ là đúng đắn và vì nhân dân. Tôi cho chủ trương này là khả thi nhưng phải có quá trình thực hiện, trước hết phải tuyên truyền để người dân phố cổ nhận thức được rằng, việc di dời đó chính là vì cuộc sống thiết thân của họ. Chủ trương này không phải nhằm xây dựng gì mới mà chính là để giải quyết điều kiện ăn ở của người dân phố cổ bởi hiện nay, người dân bám sát phố cổ, ở thành tầng, thành lớp trong các ngôi nhà không đủ điều kiện cho cuộc sống. Thành phố sẽ vận động, tạo điều kiện giãn dân trong khu vực để cải thiện hơn cuộc sống của các hộ dân.
Số dân cư khá lớn này sẽ được di chuyển tới đâu, thưa ông?
Thành phố đã qui hoạch để có những địa chỉ cụ thể cho việc giãn dân, chẳng hạn như khu đô thị Việt Hưng. Khu đô thị Việt Hưng chỉ là một điểm và tới đây thành phố sẽ tiếp tục qui hoạch các khu giãn dân phố cổ tại các đô thị khác, chẳng hạn khu Sài Đồng cũng là điểm có thể qui hoạch tiếp, bởi từ phố cổ qua sông Hồng tới đó rất gần.
Những đối tượng phải di dời sẽ được hưởng chính sách gì để đảm bảo cuộc sống ổn định tại nơi ở mới?
Trước tiên, nhà nước hỗ trợ về qui hoạch và quỹ nhà, còn điều kiện di chuyển, giao đất thế nào phải theo qui định của luật pháp… Trên cơ sở đề xuất của quận trong đề án, thành phố cũng sẽ xem xét có những hỗ trợ khác, chẳng hạn xem xét hỗ trợ về giá cả trong vấn đề nhà cửa hay đối với những gia đình khó khăn có thể hỗ trợ kinh phí di dời…
Còn về nghề nghiệp?
Riêng về nghề nghiệp, người dân phố cổ làm nghề truyền thống, kinh doanh nhiều năm nay nên thay đổi nghề nghiệp của người dân là tương đối khó. Để người dân phố cổ có được nghề nghiệp mới, cần có quỹ hỗ trợ đào tạo, học nghề nhằm đáp ứng những ai có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp. Thêm nữa, các khu đô thị của thành phố đều quy hoạch những diện tích kinh doanh và tại đó sẽ ưu tiên, tạo điều kiện cho những người dân phố cổ thuê. Chẳng hạn, ngay tại khu đất đầu tiên dành cho giãn dân phố cổ thuộc khu đô thị Việt Hưng cũng sẽ có những diện tích để qui hoạch thành khu kinh doanh.
Theo Đ.Trường CAND