Ngay cả khi thị trường BĐS trầm lắng trong suốt một thời gian dài thì giá nhà cho thuê đối với phân khúc bình dân cũng chưa bao giờ giảm. Bởi vậy có thể hiểu vì sao người thu nhập thấp đang phải thuê nhà giá cao.

Thuyền lên thì nước cũng lên…

Sau khi chủ nhà liên tiếp đòi tăng giá, gia đình chị Minh (giáo viên) đang thuê trọ tại một căn hộ trong ngõ nhỏ ở gần khách sạn Thắng Lợi đã quyết định đi tìm nhà chỗ khác.

Chị cho biết, hơn 1 năm trước, chị thuê căn hộ này với diện tích 15m2 chỉ có 600.000 đồng/tháng, sau đó đã tăng lên 1 triệu đồng/tháng và cách đây 3 tháng thì đứng ở giá 1,2 triệu đồng/tháng nhưng chị vẫn cố gắng chấp nhận.

Tuy nhiên, gần đây chủ nhà lại thông báo sẽ tăng tiếp vì đã có người trả giá cao hơn. Theo chị, với diện tích và những điều kiện hạ tầng hiện có thì việc tăng giá nữa là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, nếu chị có đồng ý với giá chủ nhà đưa ra thì đến khi có người khác trả cao hơn, không lẽ chị lại phải theo…?

Sức ép nhà thuê ngày càng tăng do thiếu nguồn cung.

Sức ép nhà thuê ngày càng tăng do thiếu nguồn cung.

Suốt thời gian tìm nhà thuê, chị Minh mới biết giá thuê bây giờ tăng lên quá cao. Đơn cử như một căn hộ cho thuê ở trong làng Ngọc Hà với diện tích chỉ khoảng 12m2, giơ tay cao đã chạm đến trần, hơn nữa đường đi thì lắt léo, vậy mà chủ nhà “quát” tới 1,5 triệu đồng/tháng.

Chị Minh cũng đi hỏi nhiều nhà nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Thụy Khê nhưng đều không thuê được vì chỗ thì giá cao quá, chỗ thì điều kiện an ninh, hạ tầng điện, nước… không đảm bảo.

Anh Nghĩa (sinh viên trường ĐH Công Đoàn) cũng là một trong những người đang phải đối mặt với giá thuê nhà tăng cao. Cách đây khoảng 2, 3 tháng, anh cùng một người bạn thuê căn hộ chừng 20m2 trong khu tập thể Khâm Thiên (Hà Nội) với giá 1,3 triệu đồng/tháng. Nhưng vừa rồi, chủ nhà đã đòi tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng, đồng thời thông báo sẽ tăng tiếp trong một vài tháng nữa.

Anh Nghĩa cho biết: ngay cạnh phòng anh ở cũng có một nhóm 2 sinh viên nữ đã phải vừa tìm chỗ thuê khác vì chủ nhà thông báo tăng từ 1,5 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng đối với căn hộ hộ chừng hơn 20m2 này.

Không chỉ chịu áp lực về giá thuê nhà, các chi phí sinh hoạt cũng khiến người đi thuê phải khốn đốn. Điển hình là giá điện, nhiều nơi hiện nay đang phổ biến ở mức 2.500 – 3.000 đồng/kwh.

Điều đáng nói là mặc dù ngành điện lực đã có quy định cho phép người thuê trọ được sử dụng điện với giá điện bậc thang, nhưng phần lớn các chủ nhà đều không thực hiện vì cho rằng thủ tục lằng nhằng.

Người thuê trọ còn phải chịu giá nước trung bình khoảng 30 – 50.000 đồng/người/tháng, thậm chí những gia đình ở tầng cao còn phải chịu thêm tiền bơm nước…

Người thu nhập thấp phải thuê nhà giá cao

Theo đăng báo của một công ty môi giới BĐS ở Hạ Đình (Thanh Xuân – Hà Nội) thì hiện đơn vị này đang rao cho thuê 17 phòng giá rẻ cho người thu nhập thấp với diện tích từ 14 – 20m2 với giá từ 1,2 – 2,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, các thông tin công khai trên báo chí cho thấy, giá thuê nhà ở Hà Nội với diện tích chỉ hơn 10m2 có thể ở được hầu như không dưới mức giá trên.

Điều đó cũng có thể lý giải rằng đây là mức thuê khó thấp hơn được nữa đối với khu vực ở nội thành Hà Nội. Nó cũng đồng nghĩa với việc đã và đang có một số lượng rất lớn người thu nhập thấp phải thuê nhà giá cao so với khả năng chi trả của họ.

Theo báo cáo của Sở  Xây dựng Hà Nội, quỹ nhà ở hiện nay của thành phố thiếu trầm trọng, hàng ngàn hộ đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn. Hiện chỉ có khoảng 30% số cán bộ, công chức nhà nước được phân phối nhà ở, trong đó tỷ lệ hộ gia đình trẻ chưa có nhà ở và thu nhập thấp chiếm phần lớn.

Bên cạnh đó, hệ thống ký túc xá tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 15-20% trên tổng số khoảng 800 nghìn sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá, số còn lại phải đi thuê trọ ở ngoài.

Đó là chưa kể còn có một số lượng rất lớn những người lao động không thuộc thành phần kinh tế nhà nước đang làm việc tại thành phố có thu nhập trung bình và thấp, không thể có tiền mua nhà… Tất cả những điều đó đang ngày càng tăng sức ép cho nhu cầu nhà đi thuê.

Tuy nhiên, với nghịch lý người thu nhập thấp đang phải thuê nhà giá cao như hiện nay thì có lẽ trách nhiệm này không chỉ riêng chủ nhà cho thuê.

Theo Dân trí


  1. It‘s quite in here! Why not leave a response?