phoco_47hangbacTrước chủ trương Hà Nội sẽ di dân phố cổ nhằm giảm tải đô thị và bảo tồn kiến trúc xưa, phần đông người dân nơi đây không mấy mặn mà, nếu không nói là “quay mặt”.

Xập xệ nữa cũng không đi

Số nhà 47 Hàng Bạc là một trong những căn nhà cổ nhất Hà Nội. Căn nhà đã có trên 180 năm. Nhìn từ bên ngoài, địa chỉ này như thể là căn nhà của một gia đình, nhưng thực tế có tới 5 hộ gia đình với 30 nhân khẩu đang sinh sống.

Căn nhà 47 không thể tồi tàn hơn. Tổng diện tích của căn nhà là 120m², chiều dài 20m và chiều rộng hơn 5m, còn lại chừa một lối đi chung cho các gia đình sống bên trong. Trong căn nhà, toàn bộ vữa tường bong tróc, sự ẩm thấp và mối mọt đã khiến mái nhà bị gãy, cong nhiều chỗ khiến nhiều lần bị sụp. Sự mất an toàn là yếu tố luôn thường trực đối với những người dân đang sống trong căn nhà này.

Tuy nhiên khi được hỏi về dự án giãn dân phố cổ, ông Nguyễn Ngọc Thanh, người cao tuổi nhất số nhà thẳng thừng trả lời: “Tu bổ rồi cho ở lại thì đồng ý, còn giãn dân chuyển đi đâu thì nhất quyết là không đi. Hương hoả ở đây, gia đình đã qua 6 đời sinh sống trong ngôi nhà. Một bước chân ra phố, qua bên ở mới có rộng rãi hơn thì cũng vẫn phải lên tầng cao. Dứt khoát là xập xệ nữa cũng không đi”.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của quận Hoàn Kiếm, có 75% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng và thay đổi thêm một chút. Chỉ có 6,7% hộ dân muốn thay đổi chỗ ở và số còn lại giữ ý kiến trung lập.

Giống nhà số 47, tại nhà số 36 Hàng Bè, bà Nguyễn Thị Nhẫn dẫn chúng tôi vào tham quan. Toàn bộ căn nhà là nơi trú ngụ của 12 gia đình. Đông gia đình nhưng căn nhà này chỉ có 2 khu vệ sinh, một ngõ đi rộng hơn nửa mét sâu hun hút và tối om. Hệ thống dây điện được các hộ buộc thành bó vắt vẻo chạy dọc theo con ngõ chỉ cao chừng đầu người. Các hộ gia đình chừa ra một khoảng sân chung để cùng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, song khoảng sân này cũng chưa đầy 2m2. Chật hẹp là thế nhưng trước dự án giãn dân, tất cả các hộ đều nhất quán không đi bởi: Ở mãi quen rồi!

Qua tìm hiểu thêm nhiều số nhà ở các con phố khác chúng tôi được biết, người dân có hàng loạt lý do “quay mặt” với dự án của UBND thành phố. Có những lý do mà yếu tố kinh tế đóng vai trò quyết định. Tại số 26 Hàng Bạc, chủ nhà cho người khác thuê lại với giá 5.000 USD/tháng. Tính ra mỗi năm, căn hộ mặt phố này mang lại cho gia chủ số tiền lên đến cả tỷ đồng. Trong khi đó họ đã có nhà ở tại khu phố khác. Thế nên chủ nhà này trước sau nhất quán: “Không đi!”. Thêm vào đó, phố cổ đang tồn tại nhiều hộ gia đình sinh sống trong những căn nhà cổ từ vài chục năm nay nhưng họ không phải chủ ngôi nhà.

Những hộ gia đình này chỉ là người đi thuê. Vì lý do nào đó như chủ nhà đã mất, hay do chiến tranh khi đi tạm cư về, chủ nhà không còn đủ giấy tờ để chứng minh đòi lại căn nhà. Thành thử căn nhà trở thành sự tranh chấp giữa các bên. Nếu đồng ý với dự án giãn dân họ sẽ không đủ cơ sở để được cấp nhà, còn ở lại đương nhiên họ vẫn có nơi sinh sống và buôn bán, dù chật hẹp.

Di dân chỉ để giảm mật độ dân số?

Theo số liệu của các nhà nghiên cứu xã hội học, mỗi người dân cần ít nhất là 8m² mặt bằng mới đảm bảo được điều kiện sinh hoạt. So sánh với con số trên, không ít người phát hoảng với diện tích mặt bằng mà người dân phố cổ Hà Nội hiện đang sử dụng. Trung bình mỗi người chỉ được hưởng 1,5- 2m² inh hoạt. Trái khoáy là ở chỗ, sự đông đúc về mật độ dân số, cùng những ngôi nhà cổ có tuổi thọ gần 200 năm với lối kiến trúc độc đáo đã tạo nét riêng cho Hà Nội. Tại các khu phố cổ hiện nay, trung bình cứ 1km² thì có 84.000 người sinh sống. Chính sự đông đúc về dân cư là nguyên nhân chính khiến phố cổ xuống cấp.

Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, dự án này chủ trương đưa bớt người từ phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng (Gia Lâm). Địa bàn thí điểm đầu tiên thuộc quận Hoàn Kiếm với 18 phường. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ cung cấp nguồn kinh phí với 4.000 tỷ đồng để chuyển khoảng 1.900 hộ dân trong các khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm sang khu đô thị Việt Hưng. Đến năm 2020 phấn đấu giãn được 3 vạn dân của toàn bộ phố cổ sang nơi sinh sống mới. Trong giai đoạn 1, dự án chỉ nhằm di chuyển những hộ dân đang sống trong các khu di tích (đình chùa, miếu mạo), trường học, công sở hay những gia đình nằm trong các khu nhà xập xệ có nguyện vọng muốn chuyển.

Theo một cán bộ của Ban quản lý phố cổ, dự án mới chỉ đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng với UBND thành phố. Tuy nhiên ngay khi dự án được phê duyệt, Ban quản lý sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ người dân cùng ý kiến của các nhà khoa học. Để đảm bảo điều kiện thuận lợi tại nơi ở mới, chung cư Việt Hưng cũng sẽ được thiết kế đầy đủ cả về khu thương mại lẫn dịch vụ vui chơi giải trí cùng các hạng mục hạ tầng cần thiết.

Theo Gia đình & Xã hội


  1. It‘s quite in here! Why not leave a response?