div>Vành đai 4 Hà Nội là dự án có cái tên được nhắc đến nhiều, tuy nhiên hiện tại không ít vấn đề thuộc dự án vành đai này ngay các cơ quan của Hà Nội và chính quyền địa phương nơi vành đai dự kiến chạy qua cũng chưa thể khẳng định một cách cụ thể.
Trước câu hỏi của UBND huyện Hoài Đức về một số vấn đề liên quan vành đai 4 như xác định hướng tuyến, đầu tư…, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình ngày 7/6 vừa cho hay: “Hiện nay đường vành đai 4 đang được tư vấn Bộ GTVT nghiên cứu và đang xem xét năng lực các nhà đầu tư, vì vậy chưa có cơ sở để thông báo cụ thể cho huyện”.
Còn tại huyện Sóc Sơn, việc thi công mở rộng, nâng cấp toàn tuyến đường 35 cũng đang phải… chờ dự án vành đai 4!
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng ngày 7/6 vừa cho biết: “Sau khi có ý kiến của Bộ GTVT về hướng tuyến vành đai 4, Sở GTVT khẩn trương đề xuất, báo cáo UBND TP về đầu tư xây dựng đoạn còn lại (khoảng 6km) của đường 35”.
Như vậy, có thể thấy đến nay, vành đai 4 – tuyến giao thông chính cho hoạt động vận tải quá cảnh qua Thủ đô vẫn hoàn toàn “trên giấy”. Theo tiến độ chung, trong tháng 6 này, chỉ giới đường đỏ, dự án, thiết kế nhiều đoạn thuộc vành đai 4 sẽ được Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải hoàn thành để trình duyệt.
Song, các nhà đầu tư vài tháng trở lại đây đã “nhộn nhịp” xin được tham gia xây dựng đường vành đai này, chủ yếu là theo hình thức ký kết hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
Có thể nói, “nhanh chân” nhất trong các nhà đầu tư quan tâm đến vành đai 4 Thủ đô là Công ty CP Him Lam. Doanh nghiệp này đã đề xuất xây đường vành đai 4 Hà Nội đoạn từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 theo hình thức hợp đồng BT và đã nhanh chóng đạt được sự thống nhất của nhiều cấp, ngành.
Đoạn vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 này ngay sau khi “thuộc về” Him Lam đã được TP Hà Nội “tách riêng” tiến độ và yêu cầu trong tháng 4/2010, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải thống nhất hoàn chỉnh chỉ giới đường đỏ, báo cáo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội thẩm định, trình duyệt để Him Lam có thể khởi công, thi công kể từ tháng 10/2010.
Tuy nhiên, khi lập dự án đoạn vành đai này, Công ty CP Him Lam lại muốn điều chỉnh hướng tuyến và vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với đường Láng – Hòa Lạc dịch về phía sông Đáy so với vị trí trước đây – là điều mà Sở GTVT Hà Nội cho rằng “cần phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở phù hợp với với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch chung Thủ đô (tư vấn PPJ đang thực hiện) cũng như các dự án khu đô thị đã và đang triển khai trong khu vực này”.
Nối tiếp đoạn vành đai 4 của Him Lam, tháng 3/2010, UBND TP Hà Nội liên tục nhận được các văn bản của Tổng Công ty Sông Hồng và Công ty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng đề nghị cho phép liên danh thực hiện đoạn vành đai 4 từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1B.
Trước đó, ngày 25/2/2010, đoạn vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 2 cũng đã được Công ty CP Đầu tư xây dựng & phát triển đô thị Hồng Hà và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội “đăng ký”, cũng theo hình thức hợp đồng BT.
Ngày 25/3/2010, Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội đã có văn bản gửi TP Hà Nội đề đạt nguyện vọng xây đoạn vành đai 4 từ quốc lộ 6 qua quốc lộ 1 đến cầu Mễ Sở theo hình thức hợp đồng BT.
Vài ngày sau, 2/4/2010, liên danh Công ty CP Đầu tư C.E.O – Công ty CP Đầu tư công nghệ và xây dựng hạ tầng cũng gửi văn bản tới TP Hà Nội, xin xây đoạn vành đai 4 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 theo hình thức hợp đồng tương tự các nhà đầu tư trước.
Trước sự “tự đề xuất” của các nhà đầu tư này, TP Hà Nội đã nhiều lần có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho phép triển khai từng đoạn khác nhau của vành đai 4 theo hình thức hợp đồng BT, đồng thời chấp thuận cho Hà Nội chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hình thức hợp đồng này.
Đáng mừng khi đông đảo nhà đầu tư hứng khởi với một đường vành đai của Hà Nội, song dư luận cũng thấy đáng ngại khi so sánh dự án này với đại lộ Láng – Hòa Lạc (cùng cách làm “đổi đất lấy hạ tầng”, và chia làm nhiều đoạn cho nhiều đơn vị) – một dự án quá chậm chạp, đình trệ, vệ sinh công trường quá tệ và mặc dù đã được “đổi đất” lâu rồi, dự án Láng – Hòa Lạc chỉ thực sự “nhúc nhắc” gần đây khi các cấp, ngành quyết liệt ra tay chỉ đạo và… dĩ nhiên phải “bơm” thêm lượng đáng kể vốn!
Người dân lo sẽ xảy tình trạng mà giới đầu tư quen gọi “xôi đỗ” (lổn nhổn, không đồng đều, đồng bộ…) khi giao mỗi “ông” một đoạn vành đai 4: “xôi đỗ” về tiến độ, “xôi đỗ” về chất lượng…
Một con đường chỉ thực sự thông khi toàn tuyến cùng xong. Đoạn tắc đoạn thông thì không có ý nghĩa gì cả, nhất là đối với vành đai quan trọng kết nối các tuyến quốc lộ về trung tâm Thủ đô như vành đai 4.
Còn nhớ, hai năm trước, khi dự án vành đai 4 Hà Nội mới đang giai đoạn báo cáo giữa kỳ, Bộ GTVT đã có ý chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp kêu gọi đầu tư theo hướng công bố dự án trên nhiều phương tiện truyền thông, sau đó tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Phương án đầu tư tuyến đường bằng quỹ đất được thống nhất không đề cập.