Sàn giao dịch BĐS là một mô hình rất mới ở Việt Nam. Điều đó không chỉ đặt ra những băn khoăn cho người dân mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng không tránh khỏi do thị trường BĐS đã trải qua một quá trình dài phát triển một cách tự phát.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với báo giới.

sanbds1_160509

Xin ông cho biết, những giao dịch BĐS nào buộc phải qua sàn?
Theo quy định, các giao dịch từ hoạt động kinh doanh BĐS bắt buộc phải qua sàn. Chẳng hạn như chủ đầu tư dự án nhà ở công bố bán nhà thì phải qua sàn. Còn các giao dịch mua bán giữa cá nhân với nhau thì không bắt buộc phải qua sàn, nhưng nhà nước khuyến khích đưa giao dịch qua sàn.
Theo tôi, nếu thực hiện ngoài thị trường có thể ít người biết về mảnh đất hay căn hộ đó. Nhưng khi đưa BĐS đó lên sàn giao dịch, thông tin được lan toả thì nhiều người sẽ biết đến, hỏi mua. Như vậy, người dân sẽ có lợi vì sẽ bán được BĐS của mình ở giá tốt nhất.
Nói là vậy nhưng trên thực tế, hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch BĐS vẫn rất hạn chế?
Việc này hoàn toàn có thể hiểu được. Kinh doanh BĐS qua sàn vẫn là một mô hình rất mới ở Việt Nam, cần có thời gian học hỏi kinh nghiệm và điều chỉnh.
Bên cạnh đó, chế tài bắt buộc giao dịch qua sàn đã có nhưng có những cái cả người dân và doanh nghiệp đều chưa quen. Do vậy, cần phải tuyên truyền mạnh hơn.
Một vấn đề nữa là hiện nay hầu hết các sàn giao dịch BĐS lớn đều thuộc về các công ty kinh doanh BĐS lớn. Như vậy có đảm bảo được sự minh bạch cho thông tin trên sàn không?

Sự minh bạch ở đây thể hiện trong giao dịch giữa người bán và người mua. Trước đây, người mua có thể không biết nhiều thông tin lắm, còn bây giờ qua sàn, thông tin sẽ rõ ràng hơn. Từ những thông tin đấy người mua phải tự sàng lọc.

Không thể nói thông tin qua sàn là chính xác 100%. Ví dụ như về chất lượng công trình, có những sản phẩm chưa xây xong, chỉ có căn hộ mẫu thì làm sao có thể khẳng định chất lượng sẽ như thế nào.
Tôi nghĩ dù BĐS được giao dịch qua sàn, khách hàng cũng phải là những người mua thông minh, phải xem xét, cân nhắc kỹ càng trước khi mua để bảo đảm được lợi ích của mình.
Có ý kiến cho rằng, khi BĐS được giao dịch qua sàn thì không cần phải qua công chứng nữa. Ông nghĩ sao?
Cái này chúng tôi cũng đang nghiên cứu. Hiện chưa có một quy định nào về việc BĐS khi qua sàn thì không phải qua công chứng. Mục tiêu của sàn giao dịch là nhằm công khai minh bạch, còn công chứng là để đảm bảo tính pháp lý của sản phẩm đó. Như vậy, mỗi cái đều có một mục đích riêng.
Nếu gộp được hai cái làm một thì rất tốt, nhưng như thế phải có những biện pháp, quy định tăng tính pháp lý cho sàn chứ như hiện nay thì chưa thể đủ. Để có thể ký được vào giấy tờ mua bán BĐS thay cho công chứng đâu phải là đơn giản.
Ngoài tính pháp lý, các sàn cũng cần phải có sự liên kết, hỗ trợ nhau bởi nếu không hỗ trợ, liên kết thông tin thì các nhân viên môi giới không thể nào có đủ thời gian để thẩm định như một công chứng viên.
Những sản phẩm đã giao dịch qua sàn một lần rồi thì lần sau có phải giao dịch qua sàn nữa không?
Như tôi đã nói, trong Luật Kinh doanh BĐS chỉ quy định các doanh nghiệp kinh doanh BĐS bắt buộc phải thực hiện giao dịch qua sàn, còn người dân thì khuyến khích chứ không bắt buộc.
Vì vậy, một khi người dân đã mua sản phẩm BĐS thông qua sàn thì lần giao dịch cá nhân sau sẽ không phải qua sàn nữa. Trong trường hợp chuyển nhượng nhiều lần giữa nhà đầu tư BĐS và các nhà đầu tư thứ cấp thì giao dịch từ lần thứ 2 cũng bắt buộc phải qua sàn.
Xin cám ơn ông!

Theo Lan Hương – Dân Trí


  1. It‘s quite in here! Why not leave a response?