“Độc chiêu” kích giá Bất động sản

Những chiêu kích giá bất động sản như xếp hàng bốc thăm, phát hành báo cáo thị trường, thậm chí là tung tin đồn những tưởng đã “xưa như trái đất”…. thế nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “sập bẫy”.

khachhang_bocthamXếp hàng bốc thăm kiểu “tem phiếu”

Để tạo ra sự khan hiếm căn hộ và đất nền giả tạo, nhiều chủ đầu tư dự án gần đây liên tiếp dùng chiêu thủ công bốc thăm mua nhà nhằm đẩy giá bất động sản lên cao. Kết quả, doanh nghiệp thắng lớn nhưng vô số khách hàng, chủ yếu là người mua đi bán lại để hưởng chênh lệch, phải nhận “trái đắng”.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, một số dự án công bố giá bán đất nền rất rẻ, song nhà đầu tư chớ nên lao vào mua bằng được, bởi có thể đó là dự án được quy hoạch tràn lan hoặc không có khả năng thực hiện.
Điều này có thể thấy rõ khi Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã thành công ngoài sức tưởng tượng đối với khách hàng bốc thăm mua căn hộ tại dự án Riverpark Residence.  Mặc dù giá bán lên đến 45 triệu đồng một m2 nhưng chỉ trong 90 phút, 107 căn hộ đã được hàng nghìn người tranh mua. Rất khôn khéo, Phú Mỹ Hưng chia làm 3 đợt bốc thăm, tạo cho khách hàng tâm lý nguồn cung khan hiếm nên họ đổ xô tới.

Tại dự án The Green River do Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex làm chủ đầu tư, 930 khách hàng rồng rắn xếp hàng xin được đặt cọc 30 triệu đồng một sản phẩm để giành một suất bốc thăm chọn mua 350 nền đất trên… bản đồ, vì dự án đang san lấp làm hạ tầng. Phía bên ngoài, rất đông nhà đầu tư không có vé bốc thăm đành gạ gẫm mua lại sản phẩm với mức chênh lệch 5 – 10 triệu đồng.

Mới đây, hơn 700 khách hàng cũng ùn ùn kéo tới Công ty Đất Xanh bốc thăm 325 nền đất tại khu đô thị dịch vụ Hưng Phước (tỉnh Bình Dương). Để có được vé bốc thăm, một tuần trước đó khách hàng đã phải xếp hàng  đóng 20 triệu đồng đặt cọc.

Đáng chú ý, phiếu đặt cọc ghi rõ: “Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày đặt cọc, bên mua phải đóng tiếp 40% giá trị nền đất và tiền dịch vụ. Nếu sau thời hạn này, bên mua không chuyển tiền xem như mất cọc”. Song lại không hề có điều khoản ràng buộc trách nhiệm bên bán như khi nào ký hợp đồng mua bán, thời hạn giao nền, bị phạt ra sao nếu trễ… Nhưng không khách hàng nào hé răng thắc mắc vì đa số là dân đầu cơ, thấy giá bán rẻ nên đặt chỗ, có lợi nhuận lại “đẩy” ngay nên chẳng thèm quan tâm tới yếu tố pháp lý.

Tung tin đồn

Một số các công ty bất động sản thường tổ chức tầng tầng, lớp lớp các công ty môi giới, nhà đầu tư thứ cấp để khi dự án mới tung ra, họ sẽ tạo “sóng”, lôi kéo các nhà đầu tư khác tham gia lướt sóng. Những nhà đầu tư ruột này thường được chủ đầu tư ưu đãi đặc biệt như cho hưởng 15 – 20% tổng giá trị căn hộ, đặt cọc giữ chỗ trong thời gian dài mà không bị mất cọc…

Theo chân trùm địa ốc ở Mỹ Đình thực địa tại một số dự án phía Hà Nội “mới”, có lẽ sức mua không quá nóng như một số bài viết gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng “khan hiếm”, “giá tăng vọt”. Thậm chí nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi sự “can thiệp” của giới đầu cơ vào nội dung của một số bài viết đó.

Tại dự án Splendora vẫn là khu đất trống. Nơi đây hối hả có chăng chỉ là công trường dự án… mở rộng đường cao tốc Láng – Hòa Lạc mà môi. Thế nhưng, trên một số trang mạng rao vặt vẫn ra rả các tin: “Bán suất ngoại giao”, “Bán gấp biệt thự liền kề”…. thậm chí là có cả một topic “thuyết trình” về tiềm năng khu vực này.

Dẫu là tiềm năng, là cơ hội nhưng thử hỏi những người có nhu cầu thực về nhà ở, ai dại gì bỏ vào đó hàng tỷ đồng không lãi suất và chờ vài năm trời??? Có chăng chỉ là giới đầu cơ, mà thậm chí chủ yếu là “lướt sóng” của giới đầu cơ với nhau.

Để gom được nhiều hàng, giới đầu cơ áp dụng hình thức “tạo bước sóng”, theo kiểu sốt từ trong ra ngoài, từ Đông sang Tây. Chẳng hạn, nếu muốn gom đất ở Thanh Xuân. Giới đầu cơ tung tin khu vực đối xứng, giáp ranh như Tây Hồ, Thanh Trì v.v… đang nóng sốt, nhiều dự án sắp triển khai và nơi đây sẽ là một trung tâm gì gì đó, đại loại là vẽ ra viễn cảnh sáng lạng. Thậm chí là tung tin đồn nơi đó sắp lên quận.

Bỗng dưng, nhà đầu tư tháo chạy khỏi Thanh Xuân, ồ ạt đổ tiền vào các khu vực đó để… nằm chờ sốt giá. Lúc này, giới đầu cơ quay lại mua gom nhà đất tại Thanh Xuân với giá tương đối hấp dẫn bởi họ quá hiểu tâm lý “tin đồn”, “đám đông” của nhà đầu tư Việt.

Điều này có thể thấy rõ nhất đối với giới đầu tư vàng khi đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Y như rằng, giá vàng sụt giảm ngay sau đó.  Đây là kiểu đầu tư thiếu phân tích bởi không thể nói xong là có thể nhập khẩu vàng ngay được, cũng phải có thời gian.

Cẩn thận “sa bẫy”

Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Vinaland Trần Minh Hoàng cho rằng, nguyên nhân khiến một số dự án ở Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… thời gian qua bỗng dưng hút hàng, tăng giá do bị chủ đầu tư làm giá bằng cách tổ chức bốc thăm, đưa hàng ra nhỏ giọt. Trước khi bán, chủ đầu tư thường bắt đặt cọc, để nắm được số lượng khách hàng cần mua và đưa ra bán với một lượng hàng chỉ bằng 1/2, 1/3 nhu cầu. Từng bước tạo ra sự khan hàng để khách lo lắng nên giá càng tăng, họ càng “điên cuồng” lao vào mua cho bằng được.

Cũng theo ông Hoàng, hiện nhiều dự án công bố giá bán đất nền quá rẻ, chỉ 1 – 2 triệu đồng một m2. Đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều này rất khó tin vì để hoàn thành 1m2  hạ tầng phải mất khoảng một triệu đồng. Ngoài ra, nếu muốn triển khai các tiện tích khác như đã hứa (hồ bơi, công viên, nhà trẻ, trung tâm thương mại…), chủ đầu tư phải bỏ ra một khoản đầu tư ban đầu rất lớn. “Nhiều dự án vẽ ra rất đẹp, nhưng khó có thể thực hiện được vì thực tế cho thấy ở TP HCM đã có nhiều dự án như vậy không thể triển khai”, ông Hoàng cảnh báo.

Nhiều chuyên gia địa ốc khuyến cáo, hiện Bình Dương, Đồng Nai đang trong tình trạng thừa mứa đất nền dự án, căn hộ do quy hoạch tràn lan, quá nhiều so với nhu cầu. Chính vì vậy, nhiều khách hàng khi mua nhà đất tại đây đã bị sa lầy, khi không thể mua – bán được.

Trong một lần trao đổi với báo giới, luật sư Trương Thị Hòa, cho rằng  bốc thăm để bán nhà, đất tuy không phạm luật nhưng phải đảm bảo tính minh bạch rõ ràng. Tuy nhiên, hiện do chưa có cơ quan nào kiểm tra, giám sát tính minh bạch, trung thực trong việc tổ chức bốc thăm nên chủ đầu tư thường ém thông tin. Nếu có “rò rỉ” ra, đó chỉ là thông tin gây hiểu lầm, bất lợi cho khách hàng.

Đình Sơn


  1. It‘s quite in here! Why not leave a response?